Cẩn trọng khi ký hợp đồng đặt cọc mua nhà

Giải quyết nhanh mọi "bức xúc" về nhà đất

     (NhadatALO) – Khi giao dịch bất động sản, người mua và người bán thường ký hợp đồng đặt cọc mua nhà bằng giấy viết tay. Vì thế, không ít người mua nhà bị lừa bởi chính những hợp đồng đặt cọc kiểu này vì cho rằng mua nhà trực tiếp sẽ có lợi hơn vì không phải qua trung gian và không mất phí giao dịch.

    Chị Nguyễn Phương Nga, ở phường Đức Giang, quận Long Biên ấm ức : “Nhiều năm tích góp hai vợ chồng mới kiếm được số tiền để mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Sau vài lần đến xem ngôi nhà, vợ chồng tôi đồng ý mua với giá 1,8 tỷ đồng. Chúng tôi đã đặt cọc cho họ 50 triệu đồng và hai bên thỏa thuận hợp đồng viết tay, sau 15 ngày nếu tôi không thanh toán nốt số tiền còn lại thì sẽ mất số tiền đặt cọc. Nếu biên bản thay đổi sẽ chịu phạt là 100 triệu đồng. Trong hợp đồng có thỏa thuận sau khi bên mua giao tiền, bên bán phải tạo điều kiện cho bên mua làm giấy tờ “sổ đỏ””.

      Đến thời điểm hết hạn hợp đồng, bên bán vẫn không thực hiện các điều khoản như cam kết theo hợp đồng đã ký, không giao bản sao giấy tờ nhà và liên tục gọi điện thoại bắt vợ chồng tôi phải chuyển số tiền còn lại vào tài khoản thì họ mới ra phòng công chứng ký kết chuyển nhượng và giao “sổ đỏ”. Tôi không đồng ý và hẹn bên bán ra phòng công chứng để làm thủ tục.

      Đến ngày hẹn, tôi gọi điện thoại cho chủ nhà thì máy điện thoại luôn trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng. Khi tôi quay lại ngôi nhà đó tìm thì cửa khóa im ỉm. Tôi hỏi hàng xóm xung quanh thì mọi người đều trả lời không biết chủ nhà là ai vì có nhiều người ra vào trong ngôi nhà này.

      Sau đó ít hôm, tôi nhận được tin nhắn từ số máy lạ với nội dung : “Do vợ chồng chị đã phá hợp đồng nên bị mất số tiền đặt cọc…” Tôi chỉ biết ngậm đắng nuốt cay vì hợp đồng đặt cọc tôi đã ký với bên bán không qua công chứng”.

      Anh Hoàng Tuấn Anh ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy đã phải chấp nhận mất khoản tiền đặt cọc 10 triệu đồng mà anh đã đưa cho một vị “chủ hờ”  để mua một căn hộ. Qua một người quen trên mạng Internet, anh Tuấn Anh đồng ý mua một căn hộ chung cư thuộc diện đền bù giải tỏa. Tôi đã đặt cọc bên chuyển nhượng số tiền 10 triệu đồng. Do không làm được giấy tờ chính chủ như cam kết ban đầu nên tôi không mua nữa.

     Ban đầu bên bán hứa sẽ trả ngay, nhưng hai tháng trôi qua họ vẫn không chịu trả lại số tiền đặt cọc, gọi điện thoại lúc thì bật, lúc tắt, thậm chí họ còn gởi tin nhắn thách thức “thích thì cứ kiện ra tòa” vì hợp đồng đặt cọc viết tay không ra công chứng nên không có giá trị pháp lý.

      Ba tuần sau tôi tìm đến căn hộ trên thì đã có người dọn đến ở. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ, người tự xưng là chủ căn hộ trên chẳng qua là vị “chủ hộ hờ”.

      Theo luật sư Võ Đình Hải Đoàn, Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, giao dịch mua bán nhà đất là những giao dịch có giá trị tài sản to lớn. Do vậy, người mua nhà nên đến các sàn giao dịch bất động sản uy tín để có những thông tin cụ thể, chính xác và hợp lệ về khối tài sản mà mình sẽ mua.

     Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, sàn giao dịch bất động sản sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm và đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người mua. Người mua cũng có thể tự tìm hiểu thông tin để lựa chọn khối tài sản mà mình dự định giao dịch nhưng nên đến văn phòng luật để được tư vấn cụ thể về những giấy tờ pháp lý có liên quan.

     Trước khi quyết định đặt cọc và ký hợp đồng mua nhà đất, người mua nên đọc kỹ những điều khỏan trên hợp đồng trước khi ký. Những hợp đồng đặt cọc sẽ có giá trị pháp ký khi nó thể hiện rõ những ràng buộc pháp lý chặt chẽ giữa người mua và người bán khi đã được công chứng, chứng thực. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng khi có tranh chấp xảy ra.

     Theo quy định tại Điều 358 Bộ luật Dân sự, đặt cọc là “việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.

     Khi các bên đã đặt cọc nhưng không thực hiện giao kết, hậu quả pháp lý được quy định tại Điều 358 Bộ luật Dân sự  như  sau : “Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khỏan tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

     Giải pháp để xử lý vần đề “phạt cọc” thường được thực hiện như sau :

1. Thương lượng, đàm phán : hai bên ngồi lại đưa ra những ý kiến của mình. Nếu bên mua vẫn muốn mua thì đàm phán để đạt được giá thống nhất. Nếu bên bán muốn bán nhưng với giá cao hơn thì thương lượng cân nhắc bởi nếu “phá cọc”, người bán sẽ mất tiền phạt phá vỡ hợp đồng đặt cọc .

2. Khởi kiện : Nếu việc đàm phán không thành công sẽ phải khởi kiện ra tòa. Người khởi kiện sẽ phải cung cấp được hợp đồng đặt cọc, các biên bản giao nhận tiền.

Nhà đất Alo tổng hợp.

 

HOTLINE : Mr Hiệu - 0902.554.006


Có thể bạn chưa xem